HỆ THỐNG VĂN PHÒNG

Không Gian Đẹp

HOTLINE

Không Gian Đẹp

GIỜ LÀM VIỆC

8:00 -17:00 (T2-T6) | 8:00 -12:00 (T7)

Nhà Vườn Xứ Huế- Nghệ Thuật Sắp Đặt Và Triết Lý Vũ Trụ Luận

Thoạt nhìn, cây cối trong vườn có cảm giác chen chúc, tưởng chừng không được sắp đặt gì, nhưng nếu quan sát kỹ thì chúng được lựa chọn, bố trí theo một quy luật hết sức tinh tế – đó là sự hòa lẫn, nương tựa giữa cây cao và cây thấp, cây rễ cọc và cây rễ chùm, cây tán thưa và cây tán dày, cây ưa nắng và cây ưa bóng râm,… để cùng chung sống và tận dụng những khoảng trời ít ỏi trong khu vườn không lấy gì làm rộng rãi…”

NGHỆ THUẬT SẮP ĐẶT SÂN VƯỜN CỦA NGƯỜI VIỆT XƯA

Cùng với nhu cầu làm đẹp cho ngôi nhà, những chủ nhân ngày nay cũng rất quan tâm chăm chút cho mảng xanh sân vườn xung quanh nhà mình. Làm vườn và tổ chức sân vườn dần trở thành một nhu cầu thẩm mỹ quan trọng đối với mỗi gia đình.

Và như một lẽ tự nhiên, những câu hỏi về “tinh thần dân tộc” lại được nêu ra như là một sự khẳng định cho lòng tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt. Vậy, vườn Việt là gì, làm sao để tổ chức sân vườn mang hơi thở Việt Nam?.. Không phải chủ nhân nào cũng có câu trả lời thỏa đáng.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong khi chúng ta chưa có một lý thuyết vững vàng về nghệ thuật tổ chức sân vườn, thì đã chịu sự tác động mạnh mẽ của các lý thuyết trên thế giới, đặc biệt là sự xâm nhập của nghệ thuật “vườn Trung Hoa”, và nghệ thuật “vườn khô – vườn thiền” Nhật Bản.

Thực tế, nhiều người am hiểu chúng còn hơn cả những hiểu biết về khu vườn Việt, mải mê làm vườn Nhật mà quên đi rằng: đã và đang tồn tại một nghệ thuật “vườn rừng, vườn tạp” vô cùng độc đáo của người Việt xưa, vẫn nép mình trầm mặc trong những ngôi Nhà vườn xứ Huế.

Cùng với nhu cầu làm đẹp cho ngôi nhà, những chủ nhân ngày nay cũng rất quan tâm chăm chút cho mảng xanh sân vườn xung quanh nhà mình. Làm vườn và tổ chức sân vườn dần trở thành một nhu cầu thẩm mỹ quan trọng đối với mỗi gia đình.

Và như một lẽ tự nhiên, những câu hỏi về “tinh thần dân tộc” lại được nêu ra như là một sự khẳng định cho lòng tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt. Vậy, vườn Việt là gì, làm sao để tổ chức sân vườn mang hơi thở Việt Nam?.. Không phải chủ nhân nào cũng có câu trả lời thỏa đáng.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong khi chúng ta chưa có một lý thuyết vững vàng về nghệ thuật tổ chức sân vườn, thì đã chịu sự tác động mạnh mẽ của các lý thuyết trên thế giới, đặc biệt là sự xâm nhập của nghệ thuật “vườn Trung Hoa”, và nghệ thuật “vườn khô – vườn thiền” Nhật Bản.

Thực tế, nhiều người am hiểu chúng còn hơn cả những hiểu biết về khu vườn Việt, mải mê làm vườn Nhật mà quên đi rằng: đã và đang tồn tại một nghệ thuật “vườn rừng, vườn tạp” vô cùng độc đáo của người Việt xưa, vẫn nép mình trầm mặc trong những ngôi Nhà vườn xứ Huế.

Đỉnh cao Nhà Vườn – Một vũ trụ thu nhỏ( Ảnh: sưu tầm)

Nếu chỉ là một ngôi nhà Rường thuần túy thì từ Bắc chí Nam đâu đâu cũng có. Thế nhưng ở xứ Huế, được sở hữu bởi những danh gia vọng tộc với lối sống thanh tao, nhuần nhị, ngôi nhà rường đã được phối kết vào trong một không gian vườn tược tưởng chừng như rất dân dã mà lại vô cùng triết lý, làm nên thương hiệu “Nhà vườn Huế” nức tiếng gần xa.

Thật không ngoa khi xem nhà vườn xứ Huế như là một vũ trụ thu nhỏ, bởi toàn bộ những triết lý sống của con người xứ Huế đến những quan niệm về vũ trụ luận đều được họ vận dụng hết sức nhuần nhuyễn, để kiến trúc gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên xung quanh trở thành một tổng thể hoàn chỉnh, vừa lạ lại vừa quen.

Trong khi người Trung Quốc xem kiến trúc chỉ là một bộ phận trong tổng thể thiên nhiên hùng vĩ, người Nhật xem kiến trúc là nơi để họ nép mình chiêm ngưỡng sự thâm sâu của những khu vườn thiền; thì người Việt lại xem ngôi nhà là trung tâm của toàn bố cục.

Chính vì vậy, kiến trúc luôn được ưu ái đặt ngay giữa khu đất nơi cao nhất, biểu thị cho vị trí “long mạch – trung tâm của vũ trụ”; và sân vườn, ao hồ được bố cục xung quanh, tầng tầng lớp lớp che chở cho hạt nhân của chúng.
Thoạt nhìn, cây cối trong vườn có cảm giác chen chúc, tưởng chừng không được sắp đặt gì, nhưng nếu quan sát kỹ thì chúng được lựa chọn, bố trí theo một quy luật hết sức tinh tế – đó là sự hòa lẫn, nương tựa giữa cây cao và cây thấp, cây rễ cọc và cây rễ chùm, cây tán thưa và cây tán dày, cây ưa nắng và cây ưa bóng râm,… để cùng chung sống và tận dụng những khoảng trời ít ỏi trong khu vườn không lấy gì làm rộng rãi.

Việc trồng cây gì cũng là dụng ý rất rõ ràng của gia chủ: hệ cây dại có ích được giữ lại như rau má, mã đề, rau trai, me đất, ngò tây, rau rìu, rau éo,… có thể sử dụng được hoặc xua đuổi rắn rết; những cây hoa phục vụ phong tục tín ngưỡng như phượng cúng, hoàng anh, mõ keo, hoa chuối, vạn thọ,…;

Hoa cảnh có hoàng mai, phong lan, địa lan, hồng, cúc, sung, sen, súng,…; hoa lấy hương như dạ lý, hoàng lan, ngọc lan, quỳnh, bại hoại,thược dược,…; cây dược liệu để trị bệnh hay làm gia vị như ngải cứu, hành, riềng, sả, ớt, vả, rau tờn, long tu, lá lốt, rau thơm, rau răm, húng, quế, huyết dụ,…; cây dùng làm lá gói hoặc nguyên liệu bánh trái như lá dong, lá gai, lá chuối,…;

Cây cảnh tạo thế không chỉ có mai, tùng, bách, trúc, sanh, si, mân (lộc vừng) mà còn có cây của vùng gò đồi như sim, mua, tràm, chổi,…; cây ăn trái có cả đào (mận), đào tiên, cam sành, thanh trà, nhãn lồng, vú sữa, cóc, ổi, chanh, mít, dừa, cau, chuối,…; và không kém phần quan trọng là các loại rau xanh, cây leo, cây lấy củ như xà lách, cải, khoai lang, bí, bầu, mướp, dưa lê,… do phụ nữ đảm trách.

Ngoài ra, gia chủ cũng kết hợp trồng các loại cây lấy gỗ nguyên liệu xung quanh vườn như sầu đông (xoan), mít,… vừa để tạo bóng mát quanh nhà. Tất cả hiện lên như một bức tranh thiên nhiên sống động nhưng có chủ ý của chủ nhân. Việc loại bớt hay thêm cây nào vào khu vườn phụ thuộc rất nhiều vào niềm đam mê cũng như quan niệm, tướng số và điều kiện sống của mỗi gia đình. 

Nhà vườn An Hiên : ngôi nhà được nối kết với không gian xanh tạo nên hệ sinh thái – kiến trúc hoàn chỉnh và đồng điệu. Hệ cây cao, cây bụi, cây leo,… cùng chung sống trong một mảnh vườn không lấy gì làm rộng rãi, và cùng che chở cho trung tâm của chúng – Ngôi nhà rường.

Trong nghệ thuật vườn Huế, đáng chú ý hơn cả là nghệ thuật chơi cây cảnh với đa chủng loại, được gia chủ tạo dáng thành nhiều thế đẹp mắt mô phỏng tự nhiên: thế thác đổ, đại thụ, bạt phong…; hay gửi gắm tâm hồn, triết lý vào đó: thế quân tử, uyên ương, bằng hữu, huynh đệ, phúc lộc thọ,…

Người chơi cũng có thể dùng thế và dáng của cây để mô phỏng các truyền thuyết, các nhân vật lịch sử: Võ Tòng đả hổ, Trầu Cau, Thánh Gióng, Bát tiên,… hoặc bất kỳ vóc dáng gì do chủ nhân nghĩ ra và cho là ấn tượng và đẹp mắt.

Cây cảnh ở Huế thường không tạo dáng quá mức thành những hình hài cụ thể, mà ẩn chứa những hàm nghĩa sâu xa bên trong cái vóc dáng rất tự nhiên, người thưởng thức phải thật am tường và có trí tưởng tượng phong phú thì mới có thể nhận biết được.

Cái không rõ ràng và đầy ngụ ý đó là yếu tố làm nên giá trị của cây cảnh Huế. Chơi cây cảnh là cả một nghệ thuật và là đam mê của người dân xứ Huế, vì thế mà chúng luôn có mặt trong mỗi sân nhà.

Với sự phong phú nhiều khi đến “rối rắm” của vườn Huế, Nguyễn Hữu Thông còn gọi vườn Huế là “vườn rừng”, “vườn tạp” . Tuy nhiên, việc chọn và xếp đặt vị trí của cây trong vườn cũng mang những nguyên tắc nhất định với tính ước lệ cao:

–   Vòng ngoài cùng quanh tường rào thường là các loại cây lấy gỗ, cây ăn trái lưu niên và cần ít công chăm sóc. Các loại cây này cũng góp phần tạo bóng rợp quanh nhà, cản khí trời độc hại, giảm nhiệt cho ngôi nhà mà vẫn tạo thông thoáng tốt.

–   Vòng thứ hai, tập trung chủ yếu ở hai bên, phía sau nhà là các loại cây ăn trái tạo bóng râm, tán rậm và không quá cao như thanh trà, cam, ổi, đu đủ, chuối…, vừa dễ chăm sóc, thu hoạch lại đóng vai trò che nắng, chống nóng hướng Tây, và chống gió lạnh hướng Bắc rất hữu hiệu.

–   Xung quanh nhà bếp và bể nước là đủ loại rau xanh, cây gia vị phục vụ công việc bếp núc tại chỗ, rất nhanh chóng, tiện lợi và an toàn. Rau xanh thường được trồng thành luống vun cao nên phải cần những khoảnh đất đủ rộng, trong khi các loại rau gia vị khác thì được trồng thành từng khóm nhỏ, đa chủng loại và có thể mọc ở khắp nơi, tận dụng mọi chỗ trống đất trống trong vườn để phát triển.

–   Phía trước nhà thường được để trống tạo một khoảng sân thoáng làm khoảng thở cho ngôi nhà chính, đồng thời tạo tầm nhìn thoáng đãng ra phía trước, làm không gian tiếp đón khách. Ở hai góc sân gia chủ thường trồng một cây cao, tán rộng che nắng cho sân, đồng thời tạo thế đăng đối tả hữu.

Những cành vươn ra trong tầm tay thường được tận dụng làm nơi treo những giò phong lan và những lồng chim đầy màu sắc. Dưới gốc cây, gia chủ thường đặt thêm một bộ bàn đá nhỏ làm nơi nghỉ ngơi, đàm đạo với khách và thưởng thức cảnh sắc trong những trưa hè hay những đêm trăng chờ Quỳnh hương nở muộn. Hai bên sân là đủ loại hoa lá, thường được trồng gần cửa sổ hai chái nhà để hương thơm có thể lan tỏa vào trong nhà.

Để tạo thế Phong thủy bền vững, trước sân gia chủ thường cho dựng một bức bình phong tạo hình cuốn thư điệu đà như là một “nội tiền án” che chắn tầm nhìn trực diện vào nhà, đồng thời điều tiết vượng khí vào nhà. Bình phong có thể làm bằng gạch đá hoặc là một bức tường “chè tàu” được cắt gọt điệu đà, hay công phu hơn là những gốc Mai, Chuối cảnh, Mân,… được tạo dáng bình phong.

Đằng sau bình phong thường có một Bể cạn vuông vắn đóng vai trò như một “tiểu minh đường” điều tiết vượng khí quanh nhà. Trong bể, chủ nhân thường tạo tác thêm hòn non bộ mô phỏng tự nhiên với nhiều kiểu dáng đẹp mắt và đầy triết lý.

Trên non bộ gia chủ thường tạo tác những cảnh sinh hoạt dân gian như chú tễu chăn trâu, đánh cờ, câu cá, cầu tre, đình tạ…; hay những cảnh sắc bồng lai tiên cảnh; và một số loại cây mọc trên đá, trên nước như bồ đề, sanh, sen, súng, bèo… cũng được gia chủ trồng xen vào tạo nên những cảnh trí sinh động và ngoạn mục.

Bên dưới bể cạn là những đàn cá đủ màu sắc bơi lội tung tăng, ẩn hiện sinh động. Những chỗ trống còn lại trong sân thường được gia chủ bố trí các loại chậu cảnh tạo thế đẹp mắt, là những “tác phẩm nghệ thuật” công phu mà mọi chủ nhân đều muốn khoe với bạn bè. Cái sân nhà vì vậy trở thành một “không gian triển lãm” đặc sắc của chủ nhà.

Trong tổng thể khu vườn mang tính tự do như vậy, dường như chỉ có duy nhất hai hàng chè Tàu hai bên lối đi là được cắt xén gọn gàng, đóng vai trò là “mũi tên hướng dẫn” cho khách từ cổng vào đến tận sân nhà. Hai bên đường đi gia chủ còn trồng thêm những hàng cau đều đặn vươn cao như những tán lọng che nắng, thể hiện sự trang trọng và lòng hiếu khách của chủ nhà.

Để tránh nhàm chán, những khoảng trống hai bên thường được gia chủ cho trồng những khóm hoa nhiều màu sắc, và vô cùng nên thơ. Con đường chè tàu này thường dẫn đến một bên sân, hoặc nếu lối vào chính giữa thì cuối con đường là những lớp Bình phong, Bể cạn ngăn cách một cách ý nhị. Có lẽ, trong cả khu vườn thì đây là dấu ấn đậm nét nhất về sự can thiệp của con người vào thiên nhiên, với những sự sắp đặt có chủ ý nhưng vẫn vô cùng hài hòa. 

Đường làng – làng cổ Phước Tích             
  Nhà ông Lê Trọng Phú – Phước Tích

Ngoài cùng gần hàng rào thường bố trí các loại cây thân gỗ vừa tạo bóng mát, nhưng vẫn cho tầm nhìn nhất định vào bên trong, giúp khách có được định hướng ban đầu khi vào nhà.

Phía sau nhà hướng Bắc thường là các loại cây thấp, tán dày, cho trái thu hoạch vừa để che chắn hướng gió lạnh Đông Bắc.

Nhà vườn 34 Phú Mộng – TP. Huế         
 Nhà ông Hồ Văn Tế – Phước Tích

Lối vào uốn lượn được cắt tỉa gọn gàng với hai hàng cau như những tán lọng che nắng cho người đi. Ngôi nhà luôn ẩn khuất đằng xa vô cùng ý nhị. Nếu lối vào trực diện thì luôn có một Bình phong che chắn rẽ lối sang hai bên.
Hai bên lối vào là những khóm cây nhiều màu sắc tô điểm sống động, đồng thời che chắn cho nếp nhà sau nó. Bước trên con đường này thì có lẽ mọi cảm giác bức bối, bực dọc nếu có cũng tan biến vào cỏ cây cả (Nhà vườn 28 Phú Mộng)

Nhà vườn Công chúa Ngọc Sơn     
   Nhà vườn ở Vĩ Dạ

Sân nhà thoáng rộng tạo khoảng thở cho ngôi nhà, là nơi phơi phóng thóc lúa, nơi sản xuất thủ công nghiệp mùa nông nhàn, bên góc sân là một cây tán rộng che nắng cho sân với những giò Lan nhiều màu sắc. Cạnh gốc cây là nơi gia chủ trang trọng bố trí một bộ bàn nhỏ là nơi thư giãn, trò chuyện, ngắm cảnh vườn tược và tiếp khách thân tình. Xung quanh sân là đủ loại chậu cảnh tạo thế sinh động.

     Nhà ông Hồ Văn Tế
vườn
(Nhà vườn An Hiên)

Đây chỉ đơn thuần là khu vườn phục vụ đời sống kinh tế thì khắp nước ta đâu đâu cũng thấy xuất hiện vườn kiểu như vậy. Ở miền Bắc là những khu vườn với việc chú trọng quy hoạch và phân bổ diện tích cho từng chủng loại cây trồng nhất định, tạo ra những vườn rau xanh mơn mởn nhưng trống trải bởi không có bóng rợp của cây cao che đỡ.

Ở phương Nam lại chú trọng đến chuyên canh từng giống cây trái trên diện tích lớn phủ kín cả một vùng. Còn vượt lên yếu tố kinh tế hàng hóa, vườn Huế lại là sự xen cài của nhiều loại cây trồng phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Không thể phủ nhận vai trò vật chất của chúng trong đời sống hàng ngày, nhưng người Huế lại không cho đó là vai trò chủ yếu của khu vườn.

Dường như họ chỉ chủ ý sử dụng chúng cho mục đích tự cung tự cấp, nếu có dư thì mới đem ra chợ, và trên gánh hàng ra chợ thông thường có rất nhiều sản phẩm, mỗi thứ một ít. Mặt khác, trong điều kiện khí hậu miền Trung mưa dầm, nắng cháy thì gần như không có loại cây nào có thể sai quả quanh năm.

Thế nhưng, với lối sống thanh tao, chuộng tình cảm, người Huế luôn muốn có đủ loại cây trồng để mùa nào cũng có trái mà đơm lên bàn thờ tổ tiên, hay con cháu ghé thăm còn có cái mà cho, hoặc đơn giản để khoe với bạn bè khách khứa khi đến chơi nhà.

Cái thú đó, vượt lên trên những giá trị vật chất, mới thực sự là nét đặc biệt trong quan niệm làm vườn của người chủ nhân, mới tạo nên cái thi vị hiếm có trong lối sống của con người nơi đây, làm nên thương hiệu Nhà Vườn xứ Huế không lẫn vào đâu được.

Những phân tích trên cho thấy, ngôi nhà vườn xứ Huế là một sản phẩm đa văn hóa với sự đan cài giữa tính dân gian và bác học. Hay nói cách khác, văn hóa bác học ở chốn kinh kỳ đã được hóa thân vào đời sống dân gian đến nhuần nhuyễn, làm nên cái vừa lạ lại vừa quen của khu vườn.

Nhà vườn Huế vừa là một bức tranh thiên nhiên sống động, một vũ trụ luận hoàn chỉnh, lại đại diện cho tâm hồn và tính cách của người tạo tác ra chúng. Chính vì thế mà ngôi vườn đã vượt ra khỏi giới hạn kinh tế đơn thuần để hóa thân thành một sản phẩm tinh thần vô giá. Người ta không nhắc đến khu vườn với năng suất thu hoạch của chúng, mà bởi tính đa dạng sinh thái và những ứng xử văn hóa đầy triết lý ẩn chứa đằng sau nó.

Tầng tầng lớp lớp cây xanh cùng với tiếng chim ca, cá lội như là một vũ trụ sống động. Và cả vũ trụ đó cùng hướng về che chở cho hạt nhân của chúng, ngôi nhà Rường. Kiến trúc và thiên nhiên cứ thế hòa quyện vào nhau làm nên một tổng thể sinh thái đồng điệu và bền vững.

Và có nên chăng, những khu vườn Việt như vậy tiếp tục tồn tại và phát triển trong những ngôi biệt thự hiện đại ngày nay./.

Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng với Không Gian Đẹp trên mọi nẻo đường khám phá các ngôi nhà kì diệu.

Chúc bạn thật nhiều thành công và sức khỏe!

BBT KGDnews
(Theo freshome.com)

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on google
Google+
Thiết Kế Xây Dựng Biệt...
16 Tháng Tư, 2024
Nhà phố 4 tầng theo...
16 Tháng Tư, 2024
NHỮNG LỢI ÍCH TỪ VIỆC...
12 Tháng Bảy, 2023
VẤN ĐỀ AN TOÀN LAO...
5 Tháng Bảy, 2023
The 15-Second Trick For Where...
5 Tháng Bảy, 2023

BÀI VIẾT LIÊN QUAN