“Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà – Trong ba việc ấy ắt là khó thay”. Câu ca dao đó của người xưa đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa, đặc biệt là việc làm nhà, bởi ngôi nhà là “thành quả” của hạnh phúc gia đình, và là trái ngọt của cả quá trình gian khó “cày trên lưng trâu” của mỗi người.
Định nghĩa đúng về ngôi nhà đẹp
Không những thế, đối với không ít người, ngôi nhà chính là mơ ước của cả cuộc đời họ. Chính vì thế mà mỗi người khi làm nhà đều mong muốn ngôi nhà của mình phải “đẹp” trong mắt mình và tất cả mọi người.
Tuy nhiên, “đẹp” là một khái niệm hết sức trừu tượng và đa nghĩa, và “ngôi nhà đẹp” lại là một khái niệm phức tạp và không đồng nhất. Bởi, mỗi người có một cảm nhận khác nhau về phong cách, hình thức kiến trúc, cũng như trang trí nội thất. Và như vậy, thỏa mãn cái đẹp của chủ nhà, kết hợp với tri thức kiến trúc của người kiến trúc sư chính là chìa khóa cho một sản phẩm ngôi nhà như ý.
Để làm nên một ngôi nhà đẹp, thì nhìn chung, người thiết kế cần thỏa mãn 2 yêu cầu: Kiến trúc đẹp và Nội thất đẹp. Một kiến trúc đẹp phải có hình thức ấn tượng, phù hợp với sở thích và phong cách sống của chủ nhà và hợp thời đại.
Không những vậy, kiến trúc đó phải phù hợp với không gian cảnh quan sân vườn xung quanh công trình, đảm bảo tính thống nhất và tương hỗ với các công trình lân cận và nằm trong tổng thể không gian quy hoạch chung của đô thị.
Vì vậy, vượt lên yếu tố phong cách kiến trúc: hiện đại hay cổ điển, hình thức: cô đọng hay cầu kỳ, thì không gian kiến trúc – vị trí con người đứng và chiêm ngưỡng ngôi nhà trong tổng thể chung của môi trường xung quanh chính là vẻ đẹp bền vững nhất mà một kiến trúc đẹp cần mang lại.
Bên cạnh đó, một Nội thất đẹp cũng cần truyền tải được sở thích, phong cách sống của mỗi chủ nhân, thỏa mãn các tiện nghi sinh hoạt cũng như có một dây chuyền công năng hợp lý, và cũng cần tích hợp các yếu tố phong thủy, tướng số của chủ nhà để tạo lập một không gian sử dụng thoải mái và an toàn.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả khi hướng đến một nội thất đẹp, mà điều chủ nhà thực sự cần chính là sự tương tác trong chính không gian nội thất đó, bao gồm sự tương tác giữa không gian nội thất với môi trường cảnh quan bên ngoài và giữa các không gian nội thất với nhau.
Trong đó, tạo được sự tương tác giữa các không gian nội thất chính là tạo nên sợi dây liên lạc xuyên suốt giữa chúng, làm cho mối không gian nội thất trở thành một bộ phận không thể tách rời trong tổng thể nội thất ngôi nhà: đó là sự sắp đặt giữa không gian kín và không gian mở, không gian “nửa kín nửa hở, không gian thông tầng, không gian liên hoàn giữa phòng khách với phòng bếp, hay tầng này với tầng khác,… tạo nên những điểm nhấn cảnh quan có giá trị thẩm mỹ cao.
Không những thế, tạo nên sự tương tác giữa không gian nội thất với môi trường cảnh quan bên ngoài giúp thiết lập những không gian nội thất kín đáo hay rộng mở, mát mẻ hoặc ấm cúng dựa vào cách lựa chọn vật liệu: tường kín, kính suốt hay lam dọc, lam ngang,…
Giải quyết sự tương tác này cũng giúp đem cảnh quan bên ngoài vào nhà thông qua các thủ pháp trổ cửa, thu hút trường nhìn,… tạo nên những không gian hưởng thụ cảnh quan độc đáo mà chỉ có ngôi nhà đó có được. Đó cũng chính là cái đẹp thật sự mà không gian nội thất mang lại cho những chủ nhân ngôi nhà.
Suy cho cùng, một ngôi nhà đẹp cần có không gian kiến trúc đẹp, không gian nội thất đẹp, chung quy lại là một “Không gian đẹp”. Không gian chính là yếu tố hàng đầu và bền vững để tạo nên một sản phẩm kiến trúc ấn tượng và mang thương hiệu riêng của mỗi chủ nhân mà không ngôi nhà nào có được. Đó cũng chính là phương châm mà công ty Không Gian Đẹp muốn mang lại cho mỗi chủ nhân.
Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng với Không Gian Đẹp trên mọi nẻo đường khám phá các ngôi nhà kì diệu.
Chúc bạn thật nhiều thành công và sức khỏe!
BBT KGDnews
(Theo freshome.com)