Trong dòng chảy của Kiến trúc Hiện đại hôm nay, xu hướng biệt thự xanh bền vững, thân thiện với môi trường đang lên ngôi. Tại Việt Nam, xu hướng kiến trúc “xanh”- kiến trúc “sinh thái” cũng đang rất được ưa chuộng.
Tuy nhiên, qua một số công trình biệt thự vườn đã được thiết kế và xây dựng trong thời gian qua, có vẻ như cách giải quyết của các Kiến trúc sư hiện tại chỉ mới dừng lại ở hành trình quay về ngôi nhà vườn truyền thống Việt Nam với hồ nước, sân vườn kết hợp với việc sử dụng lại các vật liệu truyền thống như tường xây gạch để trần, mái ngói với vì kèo, cột gỗ v.v…
Nhằm cung cấp một cái nhìn khác về trào lưu kiến trúc “xanh” trên thế giới, chuyên mục kiến trúc của công ty Không Gian Đẹp kì này xin giới thiệu với các bạn 3 tác phẩm biệt thự “xanh” tại Singapore.
Cả ba biệt thự đều sử dụng đường nét, vật liệu của Kiến trúc hiện đại với những giải pháp hết sức táo bạo về hình khối và không gian, tạo ra công trình với những tầm nhìn hết sức thẫm mỹ, quyến rũ và vô cùng độc đáo.
Biệt thự Sky Garden
Công ty : Guz Architects
Kiến trúc sư: Caroline Witzke, Szymon Goździkowski
Địa điểm : Sentosa Island, Singapore
Diện tích:: 852 sqm
Năm hoàn thành: 2010
Giải pháp trồng cây trên mái tạo ra một dải xanh uốn lượn nhằm mục đích cung cấp cho mỗi tầng nhà một khu vườn riêng như trên mặt đất đồng thời cũng nhân đôi diện tích mảng xanh vốn bị hạn chế bởi diện tích lô đất tại Sentosa mà một công trình như vậy có thể có được !
Ngôi nhà nằm tọa lạc tại khu bất động sản trên đảo Sentosa, liền kề với thành phố Singapore. Khu đất xây dựng không lớn lắm và nằm kẹp giữa hai nhà kế bên.
Vì vậy, giải pháp của KTS là xây hai bức tường đặc dọc theo chiều dài lô đất để tạo ra sự riêng tư cho công trình trong khi mở một giếng trời lớn chính giữa với cầu thang cung cấp ánh sáng và thông gió tự nhiên cho ngôi nhà.
Ngoài ra, mặt tiền phía trước và phía sau được lùi vào lấy chỗ cho mảng xanh và khu hồ bơi đồng thời cung cấp cảnh quan và sự tiếp xúc trực tiếp của chủ nhân ngôi nhà với thiên nhiên.
Biệt thự Tangga
Công ty : Guz Architects
Kiến trúc sư: Gan Ren Ying
Địa điểm: thành phố Singapore
Năm hoàn thành: 2007
Patrick Bingham Hall
Ngôi nhà là biến tấu của ngôi nhà vườn truyền thống với kiến trúc bao bọc xung quanh một khu vườn lớn ở trung tâm với cầu thang lên tầng bố trí ngay lối ra vào chính tạo ra điểm nhấn trọng tâm của công trình.
Bố cục hình chữ L của công trình tạo ra những không gian mở rộng lớn có tác dụng thông gió tự nhiên rất tốt đồng thời tạo ra tầm nhìn mở ra về phía khu vườn, giàn mái trồng cây xanh và thiên nhiên xung quanh.
Những vườn treo xanh tốt bố trí trên mái tạo ra hiệu ứng khung cảnh thiên nhiên xuất hiện trong mọi thành phần của công trình. Mái che lớn bố trí che một phần khu vườn có tác dụng xóa nhòa cảm giác trong ngoài nhà, mảng xanh được nối tiếp từ khu vực sân giữa dẫn ra bên ngoài và kết thúc tại vị trí của hồ bơi được bố trí dọc bên hông tòa nhà.
Ngôi nhà làm mát bằng nước.
Công ty: Wallflower Architecture + Design
Địa điểm: Bukit Timah, Singapore
Nhóm thiết kế: Cecil Chee, Robin Tan & Sean Zheng
Năm hoàn thành: 2009
Ảnh chụp: Albert Lim
Ẩn phía sau con đường dẫn vào, lô đất xây dựng được bao bọc bởi những cây cối xanh tươi từ những công trình liền kề. Gió mát thổi nhẹ thường xuyên là một ưu điểm đáng chú ý nữa của khu đất.
Chủ nhà đặt yêu cầu về một ngôi nhà hiện đại với môi trường mát mẻ là ưu tiên hàng đầu nhằm tận hưởng không khí và khung cảnh thiên nhiên nhiệt đới xung quanh.
Thiết kế đề xuất một phương án táo bạo với mặt bằng gần như đảo ngược lại cách phân chia thông thường của những ngôi nhà xung quanh. Để tôn vinh toàn bộ cảnh quan cây xanh xung quanh cũng như mở rộng tầm nhìn thị giác, khu vực phòng khách và làm việc được bố trí tại tầng hai với kết cấu bao che và chịu lực được chiết giản tối đa và trong suốt.
Cầu thang xoắn nhỏ bố trí khéo léo dẫn dắt lối tiếp cận đến khu vực ngắm cảnh ở phòng khách. Hình ảnh cây xanh được nhìn xuyên thấu quá tường kính tròn bao xung quanh cầu thang xoắn tạo ra ấn tượng ngôi nhà không có tường che chắn. Một hồ nước bao bọc lấy nhà thủy tạ phản chiếu hình ảnh của thiên nhiên càng làm tăng trải nhiệm về sự riêng tư trầm mặc.
Trong khung cảnh bao la ấy, thỉnh thoảng một chú chim đáp vào làm gợn sóng mặt hồ càng kết nối chặt chẽ hơn nữa ngôi nhà với thiên nhiên.
Mục đích của việc bố trí hồ nước ngay tại tầng 2 còn có mục đích cách nhiệt, che chắn cho khu vực bếp, phòng ngủ và các không gian khác của ngôi nhà khỏi sức nóng mặt trời ở tầng trệt. Ngoài ra mặt nước còn có tác dụng điều chỉnh, làm mát nhiệt độ trong nhà một cách đáng kể.
Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng với Không Gian Đẹp trên mọi nẻo đường khám phá các ngôi nhà kì diệu.
Chúc bạn thật nhiều thành công và sức khỏe!
BBT KGDnews
(Theo freshome.com)