Danh mục
ToggleCao ốc trong lõi trung tâm Tp HCM – nên hay không?
Chủ trương hạn chế xây dựng nhà cao tầng trong khu trung tâm của chính quyền TPHCM đã có từ năm 2005. Tuy nhiên, số lượng cao ốc tại khu vực này trong thời gian qua vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Thực tế, từ đầu những năm 2000, trước làn sóng của giới đầu tư đổ xô vào khu trung tâm xây dựng cao ốc, năm 2005 chính quyền TPHCM đã tạm ngưng cấp phép để chờ quy hoạch chi tiết khu trung tâm, tính toán lại sức chịu đựng của hạ tầng, cảnh quan.
Thế nhưng trước sức ép của sự phát triển, hàng loạt cao ốc đã và đang được triển khai xây dựng trong khu vực lõi CBD của thành phố, nơi chỉ được người Pháp thiết kế là một khu trung tâm nhỏ trong lịch sử 300 năm phát triển của Thành phố.
Đồ án thiết kế ban đầu chỉ giới hạn quy mô dân số 500.000 dân với loại hình nhà ở dạng biệt thự và nhà liên kế thấp tầng, hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật tương đồng với quy mô dân số và loại hình nhà ở như trên.
Đến nay khi kinh tế thành phố gặp nhiều điều kiện để tăng tốc phát triển, hàng loạt dự án quy mô lớn được đầu tư tại khu vực lõi CBD của thành phố. Theo thống kê của Sở Quy hoạch kiến trúc TPHCM, đã có 71 dự án cao ốc được cấp phép xây dựng tại khu vực lõi trung tâm, quá lớn so với quỹ 20 khu đất vàng đã được UBND thành phố chấp nhận cho phép đầu tư.
Tác động của các cao ốc lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực lõi trung tâm.
Không phải đến bây giờ, khi nhiều đại biểu HĐND – trong các cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố – giật mình và lên án các cao ốc trong khu trung tâm TPHCM là thủ phạm gây kẹt xe, các cơ quan quản lý đô thị mới nhận thấy “sức nặng” của cao ốc đè lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật mong manh tại đây.Vì vậy, trong nghị quyết mới thông qua, HĐND TPHCM đã yêu cầu: “Quản lý và cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong khu trung tâm phải hết sức cân nhắc theo hướng hạn chế tối đa…”. Thế nhưng, vấn đề là, hạn chế bằng cách nào?
Thực tế, khi diện tích sàn xây dựng tăng lên, số người tập trung vào khu trung tâm, mật độ giao thông, khối lượng điện nước cung cấp… tất cả đều tăng theo. Vì vậy, nhiều chuyên gia về quy hoạch tỏ ra lo ngại trước thực trạng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm ngày càng xấu đi, nhất là về giao thông. Bên cạnh đó, hệ thống nền móng và tầng ngầm của các cao ốc đã ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống nước ngầm và nền địa chất yếu tại khu vực lõi CBD này.
Từ đó, mâu thuẫn gay gắt giữa sự phát triển kinh tế nhanh chóng và sự ổn định của toàn thành phố ngày àng rõ rệt …
Tìm lối ra cho vấn đề hạ tầng và phát triển cao ốc tại Thành phố Hồ Chí Minh.Trong định hướng quy hoạch phát triển hệ thống giao thông toàn thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn 2050. Chính quyền thành phố sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông xương sống theo hướng Đông , với hàng loạt dự án giao thông quy mô lớn như : Cải tạo và nâng cấp trục quốc lộ 1A đoạn từ cầu Sài Gòn đến khu vực Suối Tiên, Trục Metro Bến Thành – Suối Tiên và đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Các tuyến giao thông này có mối liên hệ mật thiết với lõi CBD lịch sử…
Như vậy, trong tương lai năng lực giao thông hướng Đông thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ, có khả năng đáp ứng lượng hành khách di chuyển rất lớn. Điều này đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển các điểm dân cư mật độ cao như cao ốc hoặc chung cư cao tầng. Trong tương lai, chính quyền thành phố cần phát triển hệ thống nhà cao tầng tại các vị trí có năng lực giao thông lớn, tại các điểm nút giao thông như: nhà Ga, điểm trung chuyển, dọc các tuyến Metro, dọc các hàng lang giao thông… nhằm tận dụng triệt để thế mạnh về năng lực lưu thông đồng thời sử dụng hiệu quả đầu tư vào hệ thống Metro và tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Bên cạnh đó quỹ đất đô thị dọc theo tuyến này còn dồi dào, khả năng giải phóng mặt bằng lớn với chi phí hợp lý là điều kiện thuận lợi cho việc lập dự án và tính kinh tế của các dự án.
Với bề dày hơn 300 năm lịch sử, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh trải qua bao thăng trầm cùng đất nước, hình ảnh Sài Gòn xưa cũng chính là nét nhân văn của một thành phố. Đi đôi với việc tận dụng vị trí chiến lược để phát triển kinh tế, Sài Gòn cần thiết phải bảo tồn giá trị lịch sử qua các thời kì, đó là tài sản khổng lồ mà không phải đô thị nào cũng có được.
Trong giai đoạn phát triển vừa qua, Thành phố đã phải đánh đổi nhiều công trình có tính lịch sử để phát triển hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Kèm theo đó là sự thay đổi thói quen sinh hoạt đô thị của một bộ phận cư dân đã tồn tại từ bấy lâu nay, đó cũng là nét nhân văn đáng quý của một thành phố.
Một thành phố hài hòa giữa lịch sử, hiện tại và tương lai là mục tiêu cần phải hướng tới. Việc bảo tồn các giá trị lịch sử tại khu vực trung tâm chỉ phát triển theo hướng chú trọng đến chất lượng. Cụm nhà cao tầng, cao ốc sẽ phát triển về phía Đông nơi thuận lợi giao thông và điều kiện địa hình, địa chất cũng như tính khả thi của các dự án.
Khu vực trung tâm mới này sẽ cho phép xây dựng những toàn nhà chọc trời có thể là biểu tượng phát triển kinh tế của thành phố. Vị trí sân bay Quốc tế Long Thành nằm dọc theo hành lang“ bức tường của thành phố” cũng là cách tiếp thị hình ảnh và tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh năng động và phát triển mạnh mẽ ra với thế giới…
Để đạt được thành quả đó, đòi hỏi một sự cố gắng vượt bậc của tất cả các thành phần tham gia từ người quản lý, chủ đầu tư cho đến sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Cuối cùng, trong bối cảnh lịch sử và điều kiện hiện nay của thành phố. Việc hình thành các cao ốc tại khu vực trung tâm CBD là không thực sự hợp lý, sự phát triển mô hình này có thể nghiên cứu tại các vị trí khác thuận lợi hơn, chính quyền đô thị cần phải dẫn dắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng phát triển bền vững và hài hòa để Thành phố Hồ Chí Minh xứng đáng với tên gọi Hòn Ngọc của Viễn Đông.
Tp HCm- 11/2011