HỆ THỐNG VĂN PHÒNG

Không Gian Đẹp

HOTLINE

Không Gian Đẹp

GIỜ LÀM VIỆC

8:00 -17:00 (T2-T6) | 8:00 -12:00 (T7)

VÀI SUY NGẪM VỀ THIẾT KẾ NHÀ Ở

SUY NGẪM VỀ THIẾT KẾ

Công tác thiết kế nhà ở là một quá trình hợp tác làm việc chặt chẽ giữa Kiến trúc sư (KTS) và khách hàng. Sản phẩm cuối cùng phải là một mô hình nhà ở đáp ứng được nhu cầu và lối sống của gia chủ đồng thời cũng phản ánh được sức làm việc của người KTS. 

Công trình ấy phải đáp ứng được những tiêu chí cơ bản là đẹp, thực tế và bền vững nhưng đồng thời cũng thể hiện được xu hướng, phong cách, những ý tưởng mà người KTS gửi gắm trong từng chi tiết. Để làm được điều ấy, khả năng sáng tạo của người KTS là yếu tố vô cùng quan trọng nếu không nói là quyết định.

THIẾT KẾ

Khả năng sáng tạo của mỗi KTS là thiên phú nhưng cái vốn ấy cũng xuất phát từ quá trình rèn luyện, môi trường học tập, làm việc cũng như quan niệm về hành nghề và sự nghiệp của mỗi cá nhân. Xét trên thị trường thiết kế nhà ở hiện này ta thử tìm hiểu những yếu tố tác động đến khả năng sáng tạo ấy.

1. Thị trường thiết kế nhà ở:

Đầu tiên là môi trường mà người KTS hành nghề, tức là thị trường thiết kế nhà ở. Trong những thành phố lớn và năng động thì cơ hội mở ra cho các KTS là rất lớn. 

Đối với nhà ở dân dụng thì hầu hết đều được phục vụ bởi các cá nhân hoặc công ty thiết kế tư nhân vừa và nhỏ. Điều này hoàn toàn lành mạnh và kích thích sự cạnh tranh, nâng cao năng lực của những KTS và đơn vị thiết kế hoạt động độc lập trong lĩnh vực thiết kế nhà ở.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện không ít những đơn vị khai thác công tác thiết kế theo kiểu công nghiệp, nhất là đối với thể loại nhà phố nhỏ. Dựa vào một số mẫu thiết kế chuẩn có sẵn và một số phần mềm chuyên dụng họ đã làm biến tướng công tác sáng tạo trong thiết kế thành việc lựa chọn những mẫu nhà đơn giản với hình thức và công năng không mấy khác biệt.

Thậm chí chỉ cần khách hàng đồng ý với bố trí mặt bằng và phối cảnh sơ bộ, những công ty như vậy có thể cung cấp hồ sơ hoàn chỉnh để thi công chỉ trong vài ngày. Một tốc độ “thiết kế” có thể gọi là chóng mặt!

2. Nhu cầu “cứng nhắc” từ phía khách hàng

Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sức sáng tạo của Kiến trúc sư lại xuất phát chính những yêu cầu quá cứng nhắc của khách hàng. Một số khách hàng chỉ yêu cầu tập trung vào việc bố trí đủ số phòng ở cần thiết và những chi tiết trang trí hay kiểu mặt tiền mà họ đã tham khảo từ sách báo, tạp chí hoặc internet và chỉ làm đúng như vậy mà thôi.

Nếu KTS có trình bày thêm những ý tưởng mới lạ nhưng phải tiết giảm diện tích phòng hay số phòng ở thì sẽ không nhận được sự đồng ý. Những áp đặt về quan điểm và thẩm mỹ từ phía khách hàng như vậy có thể gây biến tướng hoàn toàn công tác thiết kế, đôi khi người KTS trở thành những thợ vẽ lại những mẫu nhà theo ý thích khách hàng.

3. Khao khát sáng tạo, tìm tòi ý tưởng dần mờ nhạt

Rõ ràng áp đặt từ chủ đầu tư, tiến độ hay lợi nhuận là những tác nhân cơ bản hạn chế sức sáng tạo trong công tác thiết kế nhưng không thể không kể ra trách nhiệm của người KTS.

Đôi khi, yếu tố cơ bản nhất hạn chế sự sáng tạo lại đến từ bản thân của người KTS khi dần dần đánh mất khát khao sáng tạo, tìm tòi ý tưởng và làm mới bản thân. Một số KTS sau khi thiết kế hoặc thi công được một mẫu nhà khá đẹp, khi được yêu cầu họ đã chủ động rập khuôn thiết kế ấy cho những công trình khác với rất ít sự thay đổi.

Trong trường hợp này bản thân người KTS đã tự sao chép chính mình với rất ít sự tác động bên ngoài mặc dù chủ thể sử dụng các công trình ấy hoặc môi trường cư trú, không gian văn hóa đã thay đổi.

4. Giải toả những tác động đáng ngại trong lĩnh vực sáng tạo

Để tăng cường khả năng sáng tạo hơn ai hết người KTS phải luôn luôn tiên phong trong thực hành và nghiên cứu. Trong nghiên cứu, một mặt người KTS phải xác định được xu hướng vận động của trào lưu kiến trúc tiên tiến đang diễn ra trên thế giới và kể cả trong nước, mặt khác trong thiết kế nhà ở người KTS phải luôn tìm hiểu và làm chủ những công nghệ và vật liệu mới đang và sẽ xuất hiện trên thị trường.

Trong thực hành, người KTS phải luôn thật sự quan tâm tới từng đối tượng khách hàng. Thông qua những buổi chuyện trò trao đổi, người KTS thâm nhập và hiểu rõ yêu cầu của từng khách hàng và tiến tới hoàn thiện dần dần phương án để cuối cùng cho ra một sản phẩm tốt nhất.

Ngôi nhà là sản phẩm kiến trúc nhưng tổ ấm là kết tinh của lối sống và văn hóa ứng xử. Càng tuyệt vời hơn nữa khi tổ ấm của gia chủ cũng đồng thời là đứa con tinh thần do người KTS sáng tạo ra, chứa đựng trong bản thân những tuyên ngôn kiến trúc của người thiết kế.

Kiến trúc sư là một nghề và thiết kế nhà là một công việc, nhưng ngôi nhà – sản phẩm là sự kết tinh của quá trình lao động sáng tạo. Sáng tạo phải kết hợp với kinh nghiệm, sáng tạo vừa khó lại vừa dễ, đôi khi những ý tưởng mới ẩn náu đâu đó trong những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ : một góc sân trong, một chi tiết vách ngăn, một cách xử lý cầu thang, một khe lấy sáng hợp lý,…

Đôi lúc những ngôi nhà nhỏ được xây dựng với kinh phí tiết kiệm lại là những sản phẩm kiến trúc tuyệt vời. Sáng tạo vì thế, luôn luôn là động lực cơ bản và quan trọng nhất của người KTS.

Ảnh minh họa công tác thiết kế của KTS:

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số tháng 5/2013)

Ths KTS Đàm Hà Khánh

Phó Giám Đốc

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on google
Google+
NHỮNG LỢI ÍCH TỪ VIỆC...
12 Tháng Bảy, 2023
VẤN ĐỀ AN TOÀN LAO...
5 Tháng Bảy, 2023
The 15-Second Trick For Where...
5 Tháng Bảy, 2023
CÂY XANH & KIẾN TRÚC
4 Tháng Bảy, 2023
PHONG CÁCH HIỆN ĐẠI LIỆU...
8 Tháng Sáu, 2023

BÀI VIẾT LIÊN QUAN