Pierre Bourdieu (1930 – 2002) chiếm giữ một vị thế nổi trội giữa làng xã hội học Pháp. Người đứng đầu bộ môn xã hội học trường Cao đẳng nước Pháp (Collège de France), người sáng lập và chủ bút tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales (Biên bản nghiên cứu về khoa học xã hội), tác giả của những sách bán chạy nhất hiếm hoi về xã hội học, người đứng đầu một “trường phái”, ông đã và đang còn là một gương mặt đáng chú ý nhất của xã hội học Pháp.
Dự án xã hội học của ông đầy tham vọng: xuất phát từ một sự tổng hợp truyền thống xã hội học và của sự phát triển vài ba khái niệm để thiết lập, đúng hơn là tái thiết lập một khoa học thống nhất của cái xã hội (une science unifiée du social).
Vấn đề là ở chỗ cập nhật hóa thực tại của sự thống trị (domination) của một giai cấp hay của một số bộ phận của một giai cấp lên toàn bộ xã hội núp đằng sau “cái xã hội” ấy.
Sự khai tâm vào trong xã hội học của ông phải đi xuyên qua việc làm sáng tỏ về dự án tri thức luận của ông bằng sự định nghĩa những khái niệm cơ bản của ông về “vốn liếng” (“tư bản” – capital) về “tập tính” (“thói quen” – habitus) và “trường xã hội” (champ social) và bằng một sự giới thiệu ngắn gọn về các công trình của ông.
Một tổng hợp các tác giả lớn
Công trình của P. Bourdieu luồn lách sâu rộng vào trong các truyền thống của xã hội học – với ông các bài học của các tác gia lớn cho phép ông tạo nên một tri thức xã hội học tích góp vượt qua các khác biệt giữa chúng.
Cùng với K. Marx ông cho rằng không gian xã hội được đặc trưng bởi những quan hệ thống trị – bị trị và bởi sự bá quyền của các lợi ích của giai cấp thống trị.
Cùng với M.Weber ông đặt ra phía trước ý niệm về “tính hợp thức”(“légitimité”) (tức là tất cả những gì được khẳng định trước mặt của cái trật tự được thiết lập) và các quá trình củasự khu biệt hóa xã hội (différenciation sociale) theo các chuyên mục hoạt động khác nhau (kinh tế, tôn giáo, chính trị, văn hóa).
Ông dựa vào tác phẩm của Durkheim để chỉ cho thấy rằng vì sao các tái hiện tâm linh(représentations mentales) lại gắn bó chặt chẽ với các cấu trúc xã hội. Ông cũng kiên trì truyền thống các cuộc điều tra thống kê mà E.Durkheim đã mở ra và cải tiến nó bằng cách thực hành một sự ghi chép xã hội(sociographie) và các thực hành văn hóa (pratiques culturelles).
Các công trình của Norbert Elias cũng thường được trích dẫn. Các công trình ấy cho thấy rằng vì sao một thế giới xã hội vi mô được thiết lập trên các chiến lược phân biệt lại xuất hiện trong các xã hội triều thần (société de cour) dưới chế độ cũ.
Ông cũng nghiên cứu cả tính tự tại lũy tiến (autonomie progressive) của lĩnh vực chính trị châu Âu từ thế kỷ 15 trở đi cũng như của lĩnh vực thể thao từ thế kỷ 19. Mặt khác, P. Bourdieu thường tham chiếu tới nền xã hội học Mỹ và đặc biệt nhất là xã hội học tương tác (sociologie interactionniste) bằng cách sử dụng một cách tiếp cận theo đó các thực hành xã hội sẽ can dự vào các tương tác nào từng mang lại ý nghĩa cho các tình huống.
Những “tương phản” lầm lạc của truyền thống xã hội học
Xã hội học tìm cách để tạo ra một đường viền (cerner) cho sự hiện diện của cái “xã hội” (“le social”) trong tâm khảm của các tư tưởng và các hành động. Để làm điều đó cần thiết phải vượt qua các tương phản truyền thống của triết học: tự do hay tính quyết định (liberté ou déterminisme), hữu thức hay vô thức (consience ou inconsience), cá nhân hay xã hội (individu ou société), chủ quan hay khách quan (subjectif ou objectif). Xã hội học cũng như các khoa học xã hội khác, từ vài thập kỷ nay đã đi theo một con lộ kép (double voie).
Từ những năm 1970 chủ nghĩa cấu trúc đã để dấu ấn lên các khoa học xã hội. Ảnh hưởng đó được ghi nhận bằng nỗi lo lắng tới việc làm bộc lộ các “cấu trúc không nhìn thấy được” (structures invisibles) từng tuyên bố vô hiệu lực (invalideraient) các cách tiếp cận nào quy dẫn về các lựa chọn “những người hành động” (acteurs).
Ngược lại, các khoa học xã hội cũng được đánh dấu, vào thập kỷ 1980, bằng sự trở lại với những “người hành động” (A. Touraine). Liệu chúng ta có thể né tránh cho sự “dao động” (oscillation) giữa tính tự tại của người hành động xã hội (acteurs sociaux) và thế lực của các tính xác quyết xã hội vô hình (force des déterminations sociales invisibles)?
Có một phương thức tiếp cận xã hội học xuất hiện vốn cố gắng né tránh khỏi sự căng thẳng ấy: đó là cách thức của R.Boudon. Vấn đề là tái thiết lập lại các “lý lẽ” hành động của các cá nhân theo những tâm thế bằng cách tính đến những nguồn lực không đồng đều của chúng. P. Bourdieu thoát khỏi thế kìm kẹp của phương thức tiếp cận ấy.
Với ông, nó dành một vị trí quá lớn cho ảo tưởng của cá nhân duy lý. Ông từ chối sử dụng các từ như “người hành động”(acteur), “cá nhân” (individu) và “các lý lẽ”(raisons) để thay vào đó “tác nhân” (agent) và “ý nghĩa thực dụng” (sens pratique).
Ý nghĩa thực dụng của các tác nhân
Theo Bourdieu, không có chủ thể, người hành động, cá nhân có ý thức và kẻ tính toán, mà là những hành động xã hội mà ý nghĩa của nó vuột khỏi (échappé), chí ít là một phần đối với kẻ tạo ra chúng.
Các hành động xã hội không quy dẫn về những “cấu trúc” nào, cũng không về một ý chí có ý thức nào mà về một “ý nghĩa thực dụng” được nội tại hóa bởi các tác nhân, một dạng của la bàn xã hội (boussole sociale).
Cái ý nghĩa thực hành ấy được “hóa thân” (“incorporé”), nó được tạo nên bởi “các tâm thế” như người ta nói về một con người rằng anh ta có “cái ấy trong huyết quản của mình”, “có cái ấy trong da thịt của mình”, rằng anh ta có những “tâm thế”.
Chính là “ bởi vì các tác nhân không biết đầy đủ về điều họ làm mà điều họ làm có nhiều ý nghĩa hơn mà họ không hay biết”. Nhà xã hội học chỉ có thể nói về các “tác nhân”, những người bị “tác động” (“agis”) không kém gì họ hoạt động. Những khác biệt, và những bất bình đẳng đều được thấy rõ giữa những ý nghĩa thực hành của các tác nhân.
Mỗi người chứng giám sự khác biệt giữa một nhà thể thao chuyên nghiệp và một nhà thể thao tay ngang, giữa một nhà chơi nhạc nghề nghiệp và một nhạc sỹ nghiệp dư. Những khác biệt ấy cũng đến từ các lĩnh vực hoạt động khác và nói chung trong đời sống hàng ngày.
Trong “trò chơi” xã hội (le “jeu social”) cái ý nghĩa thực hành đổi thay theo sự quy thuận vào các tầng lớp của họ. Các tác nhân của giai cấp thống trị cũng được xác định bằng cách ấy như những kẻ “làm chủ” các quy tắc của trò chơi xã hội.
Trong khi đó, ý nghĩa thực hành không thể suy ra một cách cơ học từ một sự tiếp cận ở dạng các giai cấp xã hội. Các tác nhân đều đối diện với những tình thế xã hội khác nhau và các tình thế ấy đặt các ý nghĩa thực hành vào thử thách và làm cho chúng tiến hóa – ý nghĩa của thực hành nằm ở “cội nguồn” của “lợi ích” hoạt động.
Nó không phải là lợi ích vật chất của homo economicus (con người kinh tế) cũng không phải là một dữ liệu bẩm sinh (une donnée innée) mà là một quá trình tiến hóa (un processus évolutif) thúc đẩy người ta dấn thân vào, tự đầu tư vào (s’investir) trong một thực hành, một quan hệ, để nắm lấy và bảo vệ cho những “lập trường”, để “chơi” (“jouer”).
Sự đổi hướng của ngôn từ kinh tế
Chúng ta sống từ sự đăng quang của chủ nghĩa tư bản thị trường trong các xã hội được đánh dấu bằng tầm quan trọng của lĩnh vực kinh tế. Vào cuối thế kỉ 19, E. Durkheirm đặt nền tảng cho dự án xã hội học của mình đối lập với chủ nghĩa thực dụng kinh tế (l’utilitarisme économique).
Song theo Bourdieu thì nền kinh tế thực dụng chủ nghĩa giữ vững vị trí bá chủ của mình và âm mưu giữ vai trò độc tôn của tính khoa học trong lòng các khoa học xã hội. Nhà kinh tế học đã đưa vào trong ngôn ngữ hàng ngày những ý niệm về “thị trường” (marché), về “đầu tư”’ (investissements), về “cạnh tranh” (concurrence).
Bourdieu tái sử dụng các ý niệm ấy bằng cách thao tác lên một hiệu ứng dich chuyển (effet de déplacement). Vấn đề đầu tiên là vận dụng cách tiếp cận kinh tế học ấy vào trong văn hóa, vào các “sở thích” (goûts), vào “các tín ngưỡng” (croyances), vào các lĩnh vực hoạt động “không giá cả” (sans prix) khác.
Chẳng hạn ý niệm “thị trường” (marché) vận dụng vào “tín ngưỡng” và các giá trị (valeurs) mang lại cho chúng ta một ánh sáng mới. P. Bourdieu nói về “thị trường các hàng hóa biểu trưng” (marché des biens symboliques), để quy chiếu về các đức tin, hay về “thị trường các hàng hóa văn hóa” (marché de biens culturels) để nói về các thị hiếu (goûts).
Và cũng để nhấn mạnh tới các trò được-thua-còn-mất về kinh tế và về quyền lực đang tác động trong các lĩnh vực ấy (souligner les enjeux économique et de pouvoir à l’oeuvre dans ces domaines), cũng như những hệ quả của sự thống trị (effet de domination).
Vấn đề cũng được đặt ra với với việc mở rộng ý niệm về sự thống trị – ý niệm về “vốn văn hóa” (vốn liếng văn hóa – “capital culturel”) về phương diện ấy trở thành quyết định.
Nó gia cường cho sự thống trị kinh tế, dưới hình thức của sự giam giữ và tái sản xuất (détention et de la reproduction) của tư bản kinh tế, sự thống trị văn hóa (domination culturelle) cũng tuân theo những “quy luật” như vậy: những quy luật của sự tái sản xuất và tích lũy (reproduction et accumulation).
Nó quy dẫn về toàn bộ các tri thức đạt được vốn hiện diện “ở trạng thái đã được hóa thân dưới dạng các tâm thế (dispositions) bền vững của cơ thể” và ở các thực tại vật chất (à des réalités), “tư bản ở trạng thái vật hóa” (“capital à l’état objectif”) dưới dạng các bằng cấp (diplôme) và của cải văn hóa (biens culturels). P. Bourdieu còn khái quát hóa ý niệm về “tư bản” (“vốn liếng” vào những lĩnh vực khác: “vốn liếng” xã hội (capital social), “vốn liếng” văn hóa (capital culturel). Tất cả tài sản xã hội (toute propriété sociale) dưới dạng của sự làm chủ một thực hành (maîtrise d’une pratique) đều có thể chuyển đổi thành “tư bản” (“vốn liếng’’).
Có lẽ các tác nhân khác phải công nhận “giá trị” của món “tài sản” ấy, cho nên P. Bourdieu mới đưa vào ý niệm về “vốn liếng biểu tượng” (capital symbolique) để gọi tên cho quan năng (faculté) biết làm cho những tác nhân khác thừa nhận giá trị của tài sản ấy, như kiểu “người ta kính cẩn nghiêng mình trước hoàng đế Louis XIV”.
Vốn liếng biểu tượng (capital symbolique) là điều làm cho các tác nhân đồng thuận với một sự công nhận (reconnaissance), một niềm tôn kính (un respect), một sự hợp thức hóa (légitimité), đối với những người nắm giữ các hình thái khác nhau của vốn liếng (“tư bản”).
Khái niệm về trường xã hội (champ social)
Các nhà xã hội học cổ điển luôn nhấn mạnh tới sự đẩy mạnh sự khu biệt xã hội (la différentiation sociale) ở các lĩnh vực hoạt động chuyên môn hóa và nghề nghiệp hóa (spécialisés et professionnalisés) trong các xã hội hiện đại.
Không gian xã hội (l’espace social) dường như đã được khu biệt hóa theo các thực hành khác nhau và các định chế xã hội bằng cách quy về các lĩnh vực xã hội khác nhau: kinh tế, chính trị, văn hóa, thể thao, trường học, truyền thông, thời trang…
Các không gian xã hội cũng làm hình thành nên ngần ấy các thế giới vi mô vốn được cai quản (régis) bởi các quy tắc riêng. Cho nên P. Bourdieu đưa vào khái niệm “trường” (champ).
Môi trường càng lúc là một trường các sức mạnh (forces) được cấu trúc bởi các vị trí thống trị (positions dominantes) và các vị trí bị trị (positions dominées) vốn xác định nên các “chỗ đứng”(“places”) của các tác nhân can dự vào trường, và là một trường tranh đấu (champ de luttes) để chiếm lĩnh các vị trí thống lĩnh (positions dominantes).
Mỗi trường liên hệ với những trường khác bằng những quan hệ kinh tế và quan hệ biểu trưng (relations symboliques) song luôn sở hữu một độ tự tại nào đó (une certaine autonomie) vốn được diễn dịch, bên cạnh những lợi ích khác, thành những lợi ích đặc thù (intérêts spécifique) của trường trong chừng mực khi mà luôn hiện hữu một “lợi quyền” riêng cho thể thao, cho chính trị, cho thời trang…
Tất cả những gì được sản sinh và tất cả những gì được trao đổi trong các trường ấy thì đó không chỉ là những nguồn lực hiếm hoi (những sự phong phú vật chất, uy tín, quyền năng) mà còn là ý nghĩa (sens), ý nghĩa từng cung ứng cho các tác nhân một bản sao xã hội (une identité sociale) bằng cách phân biệt những tác nhân này với những tác nhân khác.
Các tác nhân chiếm giữ những vị trí khác nhau tùy theo các trường, vốn thường được quy chiếu về những tâm thế (dispositions) mà họ thừa kế được và thành tựu được suốt chiều dài cuộc sống của họ.
Người ta chứng giám một loạt các chiến lược bảo toàn (stratégie de conservation) và chinh phục (de conquête) các vị thế thống lĩnh. Trên diện biểu tượng, các chiến lược bảo toàn cố sức để duy trì chuẩn mực chung, cái “tự nó vốn là thế” (céla va de soi”), vốn né tránh sự đặt lại vấn đề về các vị trí.
Ngược lại, các chiến lược lật đổ (stratégies de subversion) đều có mục đích là phá vỡ giá trị của các chuẩn mực đang ngự trị cùng với vốn liếng liên kết với nó. Khái niệm về trường sẽ đạt tới một tầm vóc mới khi nó kết hợp với khái niệm về tập tính (habitus).
Khái niệm habitus (tập tính, thói quen, lề thói)
Khái niệm này rất phức tạp và chiếm vị trí trung tâm trong dự án xã hội học và các trước tác của P. Bourdieu. Nó quy dẫn về truyền thống triết học, nhà triết học Saint Thomas triển khai khái niệm của Aristotle về hexis.
Ông phân biệt các tập tính thân thể (les habitus corporels) và các tập tính tâm thức (les habitus mentaux). Các tập tính đầu (các cách thức lái xe ô tô chẳng hạn) thoát ra khỏi ý chí của chủ thể, trong khi các tập tính sau (các cách thức trò chuyện với người lái xe khác) lại nằm dưới sự kiểm soát của ý chí. E. Durkheim sử dụng khái niệm ấy để chỉ các cách thức đồng đều (homogènes) và ổn định (stables) trong lòng các xã hội khép kín (sociétés fermées).
Như một số xã hội truyền thống hay trong lòng một số các cộng đồng khép kín trên chính chúng, như các tu viện (monastères) bằng cách thống nhất cả hai kiểu tập tính lý tưởng (types idéaux d’habitus) song dành khái niệm ấy cho những tình thế đặc biệt. P. Bourdieu theo đuổi tiếp cận ấy bằng cách mang lại cho nó một sự mở rộng đáng kể.
Và ông định nghĩa habitus như “một hệ thống các tâm thế” (dispositions) đạt được bằng sự đào luyện kín đáo hay công khai (par l’apprentissage implicite ou explicite) và hoạt động như một hệ thống các phác đồ nhận thức và thân thể” (qui fonctionne comme système de schémas cognitifs et corporels).
Ông quy dẫn chúng về các khả thể thừa kế được và đạt tới được bằng đào luyện của các tác nhân về các tư thế thân thể (marqueurs corporels) của họ, về tất cả những gì cho phép phân biệt các tác nhân giữa họ với nhau và về những gì cho phép các tác nhân tự phân biệt người này với người kia.
“Tập tính” thâu tóm theo một kiểu cách nào đó cách thể cái vốn liếng xã hội lắng đọng vào nội tâm và bộc lộ ra bên ngoài (l’habitus résume en quelque sorte comment le social est intériorisé et extériorisé).
Tập tính tự biến thể (se décline) thành nhiều cách thức. Các tập tính chính chia thành các tập tính tầng lớp, tập tính gia đình và tập tính trường. Các tập tính phụ thuộc vào các vị trí ở dạng các tầng lớp xã hội và các vị trí trong các trường xã hội khác nhau. P. Bourdieu phân biệt các công thức sinh thành các tập tính tầng lớp: “cảm giác khác biệt” (“le sens de dinstinction”) đối với giai cấp thống trị, “ý chí văn hóa đẹp” (“la bonne volonté culturelle”) của tầng lớp tiểu tư sản và “cảm giác về sự cần thiết” (le “sens de la nécessité”) của các tầng lớp dân cư.
Mặt khác, trong mỗi trường, một tập hợp hình thành, được đại diện bởi một hệ thống các tâm trạng cho phép làm chủ các quy tắc của trường. Một số tác nhân lại chiếm giữ những tâm thế mở lối đi vào “ văn hóa cao” (haute culture) trong các trường tri thức. Các tập tính ấy định hướng cho các chiến lược đấu tranh, quyền lợi mà người ta có thể lấy ở trường và các lập trường của các tác nhân khác nhau.
Các đề tài nghiên cứu chủ yếu của Pierre Bourdieu
P. Bourdieu lưu lại Algérie vào những năm từ 1955 tới 1960, nơi ông tiến hành các khảo sát dân tộc học ở vùng Kabylie, sau đó là những cuộc điều tra về những người thất nghiệp ở Algérie tất cả đều làm cho ông trở thành người nổi tiếng và được thừa nhận trong giới đại học.
Các trao đổi ấy quay về chuỗi tặng phẩm/phản-tặng phẩm (don/contre-don) do Marcel Mauss đề xuất. Song P. Bourdieu tự thóat ra khỏi M. Mauss bằng cách kết luận rằng phía sau tặng phẩm và danh dự (l’honneur) (nhất là để trao quà tặng) tiềm ẩn một hệ thống thống trị (se cache un système de domination).
Tiếp theo, khảo cứu ảnh hưởng của chế độ thực dân lên “sự mất gốc” (déracinement) của các nông dân Algérie làm bộc lộ sức mạnh của các hiện tượng về “ bạo lực biểu trưng” (violence symbolique) là điều khiến cho các người dân thuộc địa nội tâm hóa “ nỗi hổ thẹn nhân thân” (“honte de soi”). Cái “nỗi hổ thẹn nhân thân” ấy P. Bourdieu còn tìm thấy ở những đứa trẻ thuộc tầng lớp dân thường khi đi học.
Trường học là trường của sự hợp thức hóa (champ de légitimation) của sự thống trị xã hội
Cả hai quyển sách viết cùng với J. C. Passeron Những người thừa kế (Les Héritiers, 1964) và Sự sinh sản (1970) (La Reproduction) giới thiệu trường học ở Pháp như một định chế (institution), một trường (un champ) từng tham dự một cách quyết liệt vào sự tái sản xuất các quan hệ xã hội thống trị.
Trường học đóng góp vào tái sản xuất và vào tích lũy vốn liếng văn hóa cho trẻ con của các nhóm của giai cấp thống trị và tới sự tước đoạt vốn liếng văn hóa mà cụ thể là những đứa trẻ “nông thôn” vốn mất đi “giá trị” của chúng. P. Bourdieu và J.
C. Passeron tấn công vào điều mà họ coi như một huyền thoại: những khả năng học hành bẩm sinh (compêtences scolaires innées). Trên thực tế, sự thành tựu của trường học đạt được là nhờ vào sự đồng đẳng hóa (homologie) giữa các tập tính của các thầy giáo và các tập tính của những đứa trẻ thuộc về hàng những gia đình có được một vốn liếng văn hóa khỏe.
Mọi nền sư phạm đều thực hành một sự “bạo lực biểu trưng” (“violence symbolique”), ít nhất là đối với các lớp học bình dân, trong chừng mực nó sẽ làm tái sinh sản cấu trúc giai cấp và với tư cách là những giá trị văn hóa hợp thức được khắc sâu vào tâm thức (inculquées) sẽ trỗi dậy từ một chất văn hóa võ đoán (un arbitraire culturel).
Trong các tác phẩm ấy, sự phân tích xã hội học xuất hiện gần gũi sự phân tích đấu tranh (l’analyse militante) bằng cách đề cao đến tột bực (en privilégiant à l’excès) tầm bảo thủ của trường học (trường học sẽ không được “giải phóng”) chứ chưa nói đến tầm tiến bộ của nó.
P. Bourdieu rồi sẽ quay lại với những kết luận ban đầu để bảo vệ trường học vào những năm 1990 như một định chế đang bảo vệ cho những lý tưởng phổ cập chống lại truyền thông đại chúng (medias) vốn từng phi tự nhiên hóa (dénatureraient) các lý tưởng ấy.
Các công trình về sau của ông cụ thể là Giới quý tộc nhà nước (La Noblesse d’État, 1989) kiến nghị một sự phân tích tiên tiến các quan hệ quyền lực trong lòng của trường các trường học lớn (champ des grandes écoles) ma trận thai nghén tầng lớp lãnh đạo ở Pháp.
Lô-gic của các thực hành xã hội
P. Bourdieu đặc biệt để tâm tới việc nghiên cứu các thực hành xã hội khác nhau. Nghiên cứu về thực hành thể thao mang lại một ý tưởng có thể cho phương thức tiếp cận của P. Bourdieu.
Trước thế kỷ 19 các hoạt động “thể thao” tồn tại dưới dạng những thực hành dân gian. Những trò chơi ấy được “lồng vào” các tình thế xã hội khác (K. Polany) cũng như các lễ hội được lồng vào các hoạt động nông nghiệp.
Các quy tắc hãy còn thô thiển (rudimentaires) làm thành một phần cho sự thỏa sức của thân thể (faisaient la part belle au défoulement physique) mà không có bất kỳ hay có rất ít sự tưởng thưởng nào dưới dạng vật chất hay tinh thần. Vào thế kỷ 19 các thực hành ấy được khôi phục lại và được luật hóa trong lòng các public schools (trường công lập) ở Anh quốc.
Nếu như sự mã hóa các trò chơi ấy có chức năng đầu tiên là để truyền dẫn sinh khí cho các tầng lớp thống trị và lưu giữ các quan hệ thống trị giữa những người bố và những người con bằng cách luôn khắc sâu vào tâm khảm của con cái các tập tính của thủ lĩnh, sự quần chúng hóa (massification) các thực hành thể thao làm thay đổi cách chia bài (modifie la donne).
Một sự phân biệt được lập ra giữa các môn thể thao đại chúng (sports de masse) và các môn thể thao dành cho những người ưu tú (élite) – các môn thể thao quần chúng như đá bóng hay đánh bốc coi trọng sức mạnh thân thể và tính tập thể, trong khi các môn thể thao dành cho các tầng lớp trên như quần vợt hay đấu kiếm thì đề cao sự tinh tế và các tố chất cá nhân.
Trường thể thao được mở rộng cùng với sự mở rộng của công tác truyền thông của các cuộc thi tài. Hoạt động thể thao tự đánh mất giá trị trước con mắt của tầng lớp thống trị, từ đó mà có sự tái hiện mang tính chất lên án (représentations stigmatisante) của “thể thao”, đối lập với cái “trí tuệ” (l’intellectuel”).
Khái quát hơn P. Bourdieu triển khai một sự phân tích về “trò chơi xã hội”. Toàn bộ các thực hành xã hội (ăn uống, trò chơi…) đều quy về các tập tính giai cấp. P. Bourdieu kết nối từng vị thế tầng lớp với một lớp các tập tính và chứng minh rằng, các sự chiếm lĩnh vị thế (những phán xét về thị hiếu) bộc lộ lập trường của tầng lớp trong không gian xã hội.
Vị thế ấy luôn xuất hiện mang tính cách tiên định về thị hiếu. Các thành viên của giai cấp bình dân chấp nhận một thứ thức ăn “nặng”, mang lại sức khỏe, tiếp sức cho thân thể, trong khi đó những người thuộc tầng lớp trên tìm kiếm một thứ thức ăn “nhẹ”.
Các thực hành văn hóa cũng vậy: sự ưa thích âm nhạc, văn học,… các khảo cứu gần đây và các thực hành tiêu thụ đều điều chỉnh lại các kết luận ấy bằng cách tôn trọng các giá trị đổi thay trong lòng từng tầng lớp xã hội.
Những cuộc điều tra lớn và các khái niệm chính của P. Bourdieu được triển khai vào các thập kỷ 1960 và 1970. Từ đấy, ông đã viết nhiều nhiều bài viết về thế giới nghệ thuật và trường văn chương (champ littéraire) về trường truyền thông (champ médiatique) và về các quan hệ của sự thống trị của giới đàn ông (domination masculine).
Ông cũng đã điều hành một công trình tập thể về sự khốn cùng của thế giới (Sur la misère du monde). Các công trình này đã bị phê phán và dường như đã bộc lộ một số các thiếu sót (failles): các dữ liệu riêng phần (donnés partielles), các cuộc điều tra đáng ngờ (enquêtes contestables) …
Tuy vậy, ông đã khơi nguồn hứng khởi cho rất nhiều các nhà xã hội học, những người từng vận dụng các khái niệm của ông và vấn đề mà ông đặt ra (sa problématique) và nhiều đối tượng nghiên cứu khác.
Công trình của Bourdieu cũng là đối tượng, theo chừng mực xuất hiện của chúng, của sự phê bình. Sự tố giác của ông về “chủ nghĩa ảo tưởng dân chủ” (l’illussionisme démocratique), sự tham chiếu rộng rãi (référence présente) về khái niệm “sự thống trị” (domination), các giá trị lưỡng cực (les ambivalences) trong sử dụng các khái niệm tập tính (l’habitus), thiên hướng độc quyền của tính khoa học xã hội (prétention au monopole de la scientificité sociologique) đều nằm trong số các phê phán ấy.
Song chính những điều phê phán ấy lại có thể làm phong phú thêm cho công trình của ông. Mà công trình ấy thì rất quan trọng bởi cách tiếp cận của nó từ khía cạnh của nỗi khổ đau xã hội (la “souffrance sociale”) nhất là những ai chiếm những vị thế “bị trị” (des positions dominées) mà những ai có được đôi chút ưu ái đều ngay lập tức có xu thế hạ thấp nó ngay.
Dù sao thì nó đáp ứng cho dự án xã hội học của E.Durkheim để triển khai một khoa học về cái xã hội để cho phép xã hội tự tác động lên chính nó./.
Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng với Không Gian Đẹp trên mọi nẻo đường khám phá các ngôi nhà kì diệu.
Chúc bạn thật nhiều thành công và sức khỏe!
Trương Quang Thao